Hồng Dân là huyện cách xa tỉnh lỵ Bạc Liêu (gần 60km), là huyện nằm phía Bắc Quốc lộ 1A giáp ranh giới giữa ba tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang và Hậu Giang. Huyện Hồng Dân là vùng đất được khẩn hoang từ những thập kỷ đầu của thế kỷ 20 và được thực dân Pháp lập ra vào ngày 20/5/1920 lấy tên là quận Phước Long thuộc tỉnh Rạch Giá. Đến đầu năm 1947 được chính quyền cách mạng đổi tên thành Quận Hồng Dân (lấy tên đồng chí Trần Hồng Dân – Bí thư Quận ủy đã hy sinh năm 1946). Đến cuối năm 1951, tỉnh Rạch Giá giải thể, huyện Hồng Dân sáp nhập vào tỉnh Bạc Liêu. Đến ngày 05/9/1954, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định tái lập tỉnh Rạch Giá, huyện Hồng Dân trở lại trực thuộc tỉnh Rạch Giá. Giữa năm 1957, huyện Hồng Dân sáp nhập vào tỉnh Sóc Trăng để tương ứng địa giới tỉnh Ba Xuyên của địch và đến ngày 20/11/1973, tỉnh Bạc Liêu được tái lập lần thứ nhất, huyện Hồng Dân thuộc tỉnh Bạc Liêu; đến năm 1976, tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau hợp nhất thành tỉnh Minh Hải, Hồng Dân thuộc tỉnh Minh Hải; đến ngày 01/01/1997, tỉnh Bạc Liêu được tái lập lần thứ hai và huyện Hồng Dân trực thuộc tỉnh Bạc Liêu. Ngày 25/9/2000, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Nghị định số 51 của Chính phủ, điều chỉnh địa giới hành chính huyện Hồng Dân để thành lập huyện Phước Long.
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính năm 2000, huyện Hồng Dân có 7 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các xã: Vĩnh Lộc, Ninh Thạnh lợi, Lộc Ninh, Ninh Hòa, Ninh Quới, Ninh Quới A và thị trấn Ngan Dừa; với diện tích tự nhiên là 42.118 ha và 91.306 nhân khẩu; đến tháng 01/2004, điều chỉnh địa giới hành chính xã Vĩnh Lộc để thành lập xã Vĩnh Lộc A; đến tháng 11/2008, điều chỉnh địa giới hành chính xã Ninh Thạnh Lợi để thành lập xã Ninh Thạnh Lợi A; nâng lên 9 đơn vị hành chính trực thuộc. Hiện nay, toàn huyện có 111.972 người (tăng 20.666 người so với năm 2000); có 3 dân tộc sống đan xen là Kinh, Hoa và Khơmer.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Hồng Dân là vùng căn cứ địa cách mạng của Tỉnh ủy, trong chiến tranh huyện bị tàn phá hết sức nặng nề, hy sinh nhiều sức người, sức của. Sau giải phóng, kết cấu hạ tầng của huyện hầu như không có gì, đi lại chủ yếu bằng đường thủy, kinh tế – xã hội còn thấp kém, sản xuất nông nghiệp độc canh cây lúa là chủ yếu.
Ngay từ những năm đầu tiên điều chỉnh địa giới hành chính, Đảng bộ huyện Hồng Dân đã xác định phải tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó nông nghiệp là thế mạnh tạo động lực để phát triển, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Các công trình giao thông huyết mạch được đầu tư, xây dựng: tuyến lộ nhựa từ Ngan Dừa – Ninh Hòa – Ninh Quới, lộ đá xô bồ Lộc Ninh – Vĩnh Lộc, lộ đất đen 03/02 đi xã Ninh Thạnh Lợi là những công trình đầu tiên được đánh giá rất có ý nghĩa, kết nối giao thông quan trọng từ trung tâm huyện đến các xã trong huyện.
Đi lên từ trong gian khó, tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao và sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên của cả hệ thống chính trị trong huyện; cùng sự đồng thuận, hưởng ứng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, các phong trào thi yêu nước, phong trào quần chúng của các tầng lớp nhân dân trong huyện; đến nay sao 20 năm điều chỉnh địa giới hành chính, huyện Hồng Dân đã đạt được nhiều thành tích nổi bật:
Tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ cao, bình quân 5 năm, giai đoạn 2015 – 2020 đạt 10,8%; thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2019 đạt 58,7 triệu đồng/ người/năm (tăng 34,7 triệu đồng so với năm 2000); tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 2.245 tỷ đồng; trên 99% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia an toàn (so với năm 2000 là 20,85%, tương ứng 3.781 hộ), tổng diện tích đất sản xuất đạt trên 33.736 ha (trong đó đất chuyên lúa là 8.993 ha, lúa – tôm là trên 23.550 ha, khác 1.193 ha). Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của Huyện ủy tiếp tục có sự chuyển biến tích cực; năm 2018, 100% các xã có đường ô tô từ huyện về đến trung tâm; đến năm 2019, 100% xã trong huyện đạt tiêu chí Nông thôn mới, thị trấn Ngan Ngan Dừa đạt tiêu chí văn minh đô thị; đầu năm 2020, có 01 xã đạt tiêu chí Nông thôn mới nâng cao.
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển khá cả về số lượng và quy mô, đảm bảo cung ứng vật tư, hàng hóa phục vụ cho sản xuất và đời sống người dân. Hệ thống chợ, trung tâm thương mại được đầu tư xây dựng, nâng cấp, nhất là các chợ xã. Một số doanh nghiệp thương mại đã đầu tư phát triển hệ thống phân phối, triển khai các loại hình bán lẻ mới theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp; nhất là hình thành Trung tâm thương mại Ngan Dừa (Chợ mới Ngan Dừa). Các làng nghề truyền thống, nghề thủ công: nghề rèn, dệt chiếu (thị trấn Ngan Dừa), đan đát (xã Ninh Thạnh Lợi, Ninh Thạnh Lợi A), nghề mộc (xã Ninh Hòa), đan thảm lục bình (xã Vĩnh Lộc) … được củng cố, phát triển, sản phẩm làm ra được nhiều người ưa chuộng, được quảng bá rộng rãi trong và ngoài tỉnh, từng bước tạo ra sản phẩm du lịch gắn với du lịch miệt vườn, du lịch sông nước.
Lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ, mang lại hiệu quả thiết thực, những công trình trọng tâm, trọng điểm như điện, đường, cầu, trường, trạm, nhà ở cho người nghèo, người có công với nước… dần được đầu tư xây dựng; sự nghiệp giáo dục và đào tạo, y tế luôn có chuyển biến tích cực, chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống gia đình chính sách, người có công với nước, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ngày một tốt hơn, đã triển khai xây dựng hàng trăm căn nhà tình thương, nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở trị giá hàng trăm tỷ đồng, đến nay 100% hộ gia đình chính sách không còn hộ nghèo; tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2019 là 326 hộ, chiếm 1,19%; hộ cận nghèo còn lại 1.131 hộ, chiếm 4,11% (giảm 22,8% hộ nghèo so với năm 2000). Chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân được nâng lên rõ rệt, Trung tâm y tế huyện, trạm y tế các xã được đầu tư, nâng cấp, đủ tiêu chuẩn để khám và điều trị bệnh cho nhân dân. Trường, lớp được kiên cố hóa 100% và đầy đủ các bậc học từ Mần Non đến giáo dục trung học phổ thông, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt cao, trên 70% trường đạt chuẩn quốc gia. Văn hóa, thông tin, thể thao tiếp tục phát triển, phong trào xây dựng đời sống văn hóa được thực hiện rộng khắp, 100% ấp đạt chuẩn ấp văn hóa, nhiều mô hình quần chúng tự quản, phong trào thi đua yêu được phát động và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của quần chúng; từ đó diện mạo đô thị và nông thôn huyện có sự thay đổi rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên theo từng ngày.
Quốc phòng, an ninh được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền đã quán triệt và thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế đi đôi với củng cố quốc phòng – an ninh; chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Công tác diễn tập khu vực phòng thủ và gọi công dân nhập ngũ hàng năm đều đạt chỉ tiêu.
Đặc biệt trong 20 năm qua, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ chính trị của huyện kết quả năm sau cao hơn năm nước, chỉ đạo sản xuất bỏ thế độc canh canh lúa, hình thành hai vùng sản xuất riêng biệt (vùng ngọt ổn định và vùng chuyển đổi) với nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao như: lúa – tôm, lúa – cá, tôm – cua . . . bước đầu hình thành vùng trồng cây ăn trái, trồng màu, vùng chuyên lúa, vùng chuyên tôm, cánh đồng 70 triệu/ha. . . đưa nền sản xuất của huyện mang tính bền vững và hiệu quả.
Hoàn thành sớm chỉ tiêu đường ô tô từ huyện về đến trung tâm xã, chỉ tiêu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, điện, đường, trường, trạm được đầu tư, nâng cấp, mở rộng, đáp ứng yêu cầu phát triển, phục vụ tốt đời sống của nhân dân.
Bên cạnh đó huyện Hồng Dân tiếp tục đầu tư và tranh thủ đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm như: khánh thành khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu; Cống Âu thuyền Ninh Quới; Nhà truyền thống Đảng bộ huyện, Bia ghi danh anh hùng liệt sỹ huyện, Công viên Lộc Ninh, các công trình giao thông nông thôn . . . để phục vụ cho nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ trên địa bàn.
Những kết quả mà Đảng bộ, dân và quân huyện nhà đạt được trong thời gian qua có ý nghĩa rất quan trọng; khẳng định sự đoàn kết, thống nhất, cố gắng nổ lực của toàn Đảng bộ và sự đồng lòng ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong huyện; tạo được niềm tin và sự đồng thuận cao trong xã hội.
Tiềm năng và vận hội để quê hương Hồng Dân phát triển đi lên là rất to lớn; bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với tinh thần đoàn kết một lòng, kế thừa và phát huy truyền thống của quê hương Hồng Dân anh hùng, của các thế hệ cha anh đi trước, Đảng bộ, dân và quân huyện Hồng Dân quyết tâm phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện; phấn đấu trở thành huyện Nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.