Nhiều năm trước, thế hệ Millennials (còn gọi là thế hệ Y, sinh từ năm 1981 – 1996) là tâm điểm của truyền thông và các chiến dịch tiếp thị. Nhưng gần đây, sự chú ý cũng dần được dịch chuyển và tập trung hơn vào thế hệ trẻ tiếp theo: thế hệ Z.
Dù được gọi chung là “thế hệ trẻ”, thì giữa thế hệ Y và thế hệ Z cũng có những khác biệt rõ rệt, dễ nhận thấy nhất là ở những nội dung thu hút họ.
Ví dụ, thế hệ Y được biết đến với xu hướng cord-cutting, một cách gọi khác của việc ngưng dùng truyền hình cáp để chuyển sang các thiết bị dẫn truyền trực tuyến. Còn thế hệ Z không bao giờ kết nối với cáp, thay vào đó họ bị thu hút bởi các nền tảng mạng xã hội như Youtube, mới đây nhất là TikTok.
Sự khác biệt này khiến hành vi xem và sở thích nội dung của hai thế hệ này hoàn toàn khác nhau. Do đó bộ phận truyền thông của doanh nghiệp cần lưu ý điểm mấu chốt này để phát triển các kênh tiếp cận và bán hàng phù hợp.
Vậy thế hệ Z đang xem gì khi online và điều đó có ý nghĩa gì với những nỗ lực tiếp thị của bạn? Dưới đây là một số xu hướng nội dung video đang thu hút các khán giả trẻ.
YouTube
Ra đời năm 2005, Youtube đã trở thành “một phần thiết yếu” của thế hệ Z. Họ sử dụng nền tảng này để kết nối với cộng đồng, tiếp cận các nội dung họ muốn. Và Youtube cũng là nền tảng xem video ưa thích hàng đầu với thế hệ Z.
Có tới 85% thanh thiếu niên ngày nay xem Youtube. Trong 4 năm qua, thời gian xem video trực tuyến trung bình của trẻ em đã tăng gấp đôi.
Những thay đổi so với ti vi truyền thống, hướng tới cách trình bày ngắn hơn theo phong cách clip, Youtube là một phương tiện mang đến cách tiếp cận hoàn toàn mới cho nội dung video. Theo thời gian, chúng ta cũng chứng kiến sự nổi danh của hàng loạt vlogger với khả năng sáng tác video của họ.
Theo một nghiên cứu được công bố năm ngoái, số lượng trẻ em ngày nay muốn trở thành ngôi sao Youtube cao cấp 3 lần so với ước mơ thành phi hành gia – một tiêu chuẩn về khát vọng trong quá khứ.
Dưới đây là tổng quan cơ bản về những gì thế hệ Z đang xem trên nền tảng video.
Vlogging
Nhật ký trực tuyến dưới dạng video (vlogging) đã và đang gây được sự chú ý đặc biệt trên Youtube và tiếp tục cho thấy dấu hiệu tăng trưởng, ngày càng phổ biến.
Những video được sản xuất với kinh phí thấp nhưng đề cao quan điểm cá nhân giúp những “người nổi tiếng trên mạng” kết nối được với khán giả của họ. Nhiều vlogger ngày nay đang lập nghiệp từ sở thích làm vlog của họ. Tiêu biểu là Ryan Kaji, vlogger được trả lương cao nhất năm 2019, với số tiền khổng lồ là 26 triệu USD.
Từ góc độ thương hiệu, điều quan trọng cần lưu ý là vai trò, danh tiếng của các vlogger đang ngày càng tăng. Với sự nổi tiếng của họ, trong tương lai, quảng cáo trên truyền hình sẽ không còn là lựa chọn tốt nhất để tiếp cận và quảng bá thương hiệu. Bởi sự chứng thực của các influencer được coi là đáng tin cậy và xác thực hơn so với những người nổi tiếng và ngôi sao thể thao. Đây là một xu hướng quan trọng cần lưu ý.
Video thông tin
Youtube trở thành điểm nhấn với giới trẻ không chỉ nhờ tính năng giải trí. Theo nghiên cứu, 80% thanh thiếu niên thế hệ Z nói rằng nền tảng này giúp họ hiểu biết nhiều hơn về một điều gì đó. Có 69% số người được hỏi nói rằng Youtube giúp họ cải thiện hoặc rèn được các kỹ năng cần có cho tương lai.
Youtube đã trở thành một tài nguyên học tập đáng tin, có giá trị. Trên thực tế, phần lớn sinh viên ngày nay thích các video trên Youtube hơn là sách giáo khoa. Nhiều người cũng tìm kiếm video để học cách làm và tự thực hiện (DIY – Do it yourself).
Xu hướng này nhấn mạnh đến việc mở rộng sử dụng nền tảng, có ý nghĩa quan trọng trong việc sử dụng video để kết nối tốt hơn với khán giả trẻ.
Snapchat
Một xu hướng video đáng chú ý khác của giới trẻ là Snapchat, đặc biệt là sự thu hút của tính năng “Snap Originals”.
Theo báo cáo của Sanap vào cuối năm ngoái, tổng thời gian người dùng xem nội dung “Khám phá” trên nền tảng đã tăng 40% so với năm trước. Trung bình mỗi tháng, lượng người xem kênh đạt hàng triệu lượt.
Chương trình “Khám phá” của Snap cho thấy sự thay đổi đáng kể trong thói quen xem video. Snap Originals là những chương trình gốc được thực hiện bởi Snap cho Snapchat. Tất cả các chương trình sẽ phát toàn màn hình ở chế độ dọc, giống như Stories. Mỗi tập phim chỉ dài trung bình 5 phút với thể loại phong phú: phim tài liệu, phim hài, phim truyền hình tuổi teen…
Sức hút của định dạng video kiểu mới này báo hiệu sự thay đổi lớn trong kỳ vọng về video của khán giả trẻ khi đi ngược lại các định dạng video truyền thống.
Đó là xu hướng chính cần lưu ý nếu bạn đang muốn kết nối với khán giả trẻ: Nội dung có mục đích được tạo ra ngắn hơn có thể mang lại hiệu quả tốt hơn.
Điều này dẫn đến nền tảng lưu ý tiếp theo…
TikTok
Năm 2019 là năm chứng kiến sự “nổi dậy” đáng kể của TikTok. Phần lớn khán giả tiềm năng của nó nằm trong độ tuổi của thế hệ Z. Sự phổ biến của các định dạng video ngắn đã khiến nền tảng này được chú ý. Điều này dẫn tới cách tiếp cận mới được thiết kế để phục vụ thị trường này, nhưng những gì hoạt động trên TikTok phần lớn giống nền tảng tiền nhiệm của nó với định dạng video ngắn tương tự Vine: nhanh chóng, vui vẻ, nội dung kiểu tự làm phù hợp với xu hướng và hành vi.
Nội dung của TikTok ngắn hơn nhiều so với Youtube, giới hạn 15 giây/clip và có xu hướng tạo trend tốt hơn. Nội dung phổ biến nhất trên TikTok bây giờ là hát nhép, những điệu nhảy sôi động và tiểu phẩm hài hước.
Tính sáng tạo được cộng đồng TikTok rất khuyến khích và đây là điểm cốt lõi để tạo nên các ngôi sao TikTok. D
Khi nền tảng càng phát triển, chúng ta sẽ thấy sự gia tăng của những người có ảnh hưởng trên TikTok – những người đăng nội dung gốc. TikTok hiện cũng có danh sách những influencer nổi tiếng nhất mà các thương hiệu có thể hợp tác trong các chiến dịch tiếp thị, quảng bá thương hiệu, sản phẩm.
Có hai nhóm các nhà sáng tạo trên TikTok. Một là những người đã nổi tiếng trên các nền tảng khác và đang “lấn sân” qua TikTok. Hai là những người chơi mới chưa ai biết đến và đang tìm cách thu hút khản giả trên TikTok trước tiên.
Theo thời gian, các cách tiếp cận này đang dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong mức tiêu thụ nội dung video của thế hệ Z. Đó là các clip ngắn hơn, được quay theo chiều dọc.
Bộ mặt thay đổi của video
Nội dung video đang thay đổi và các thương hiệu cần bắt kịp xu hướng để duy trì kết nối với khán giả trẻ.
Như Forbes đã nói, chìa khóa của thế hệ Z là nội dung video “có liên quan, ý nghĩa và xác thực”. Thế hệ Z rất dễ nhận ra nếu một kênh nào được dùng để bán hàng. Vì vậy với “quả bom” nội dung, cách tiếp thị nhàm chán với logo sẽ nhanh chóng thất bại với thế hệ này.
Thêm vào đó, thế hệ Z đang bị thu hút bởi các video có nội dung giải trí và thư giãn để giảm stress, giải phóng bản thân khỏi áp lực xã hội và cạnh tranh mà họ đang phải đối mặt.
Do đó, miễn là bạn nhận ra những xu hướng như vậy và dành thời gian để xem người trẻ thế hệ Z đang tìm kiếm và cần gì trên mạng, bạn có thể thành công với những cư dân của thời đại số này.
Theo socialmediatoday